Khi thưởng thức, những chiếc bánh đa có vị bùi, ngọt, giòn và thơm lừng. Từng miếng bánh đa giòn tan trong miệng khiến ta có cảm giác như hương vị quê hương đang dạt dào theo tiết tấu âm thanh quen thuộc mà đáng quý biết nhường nào.


Đã từ lâu, một ngôi làng ở miền quê nông thôn đã trở lên quen thuộc với nhiều người. Đó có thể là người đi công tác qua, đi du lịch hay cố tình tới để mua thứ đặc sản ngon giòn tuyệt vời có cái tên gắn với địa phương sinh thành ra nó, bánh đa Kế.


Làng Kế là ngôi làng cổ thuộc xã Dĩnh Kế của thành phố Bắc Giang ngày nay. Xã có 11 thôn, trong đó có 6 thôn làm bánh đa. Người dân trong vùng thường gọi là bánh Kế, bởi bánh đa của làng Kế làm ra có hương vị đặc trưng không giống với bánh đa ở bất cứ nơi đâu người dân làng Kế làm bánh đa quanh năm, đặc biệt nhộn nhịp vào những lúc nông nhàn.

Dĩnh Kế có 12 thôn: thôn Chợ, Sau, Tiêu... với hàng trăm mái nhà nằm san sát và biết bao người thợ đang nhanh tay say bột, tráng, quạt bánh tạo những chiếc bánh đa cho mọi người thưởng thức. Những ngày nắng, ai đi qua Dĩnh Kế cũng thấy một màu trắng của những chiếc bánh đa to, tròn trên những chiếc giàn phơi, dọc theo quốc lộ 1A, trong đường làng, ngõ xóm, sân nhà

Hình ảnh những phiên chợ quê vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ gắn liền với chiếc bánh đặc sản này. Người ta nhớ về một thời xa xăm với hình ảnh người đàn bà Kinh Bắc với chiếc áo nâu, cái mẹt đội đầu đi chợ mua cái bánh đa kề về làm quà cho các cháu, lựa vài tấm nhiều lạc, nhiều vừng cho ông chồng ở nhà. Những kí ức đó, có lẽ chỉ được tái hiện trong những thước phim đen trắng. Nhưng với việc thưởng thức món quà quên này, bất cứ ai cũng được trải nghiệm một phần văn hóa trong đó.

Hương quê giòn tan vị bánh đa Dĩnh Kế.
Bánh đa Dĩnh Kế nổi tiếng đất Bắc.
Bánh đa Kế được làm quanh năm. Dưới bàn tay của người nghệ nhân Dĩnh Kế, món bánh đa tưởng chừng khô khốc ấy lại trở nên giòn tan, ngon tuyệt lạ thường. Hai mặt bánh đa phủ đầy hạt vừng. Từng hạt vừng thơm mát hòa quyện với bột gạo bùi bùi, với vị béo của lạc quê, tất cả làm nên một thứ đồ ăn nức tiếng là ngon.

Theo những người dân trong làng, khâu quan trọng là tráng bánh, đòi hỏi kĩ thuật đặc biệt khéo léo của người thợ mà không phải ai cũng làm được, tráng nhẹ tay, bánh phẳng, đều phụ gia, đường kính khoảng 40cm.

Bánh tráng xong được đem phơi hai lần cho khô kiệt. Và khâu cuối cùng là quạt để tạo hình dáng cho bánh. Người thợ Dĩnh Kế quạt bánh thủ công bằng than hoa nên chiếc bánh nở đều, đầy đặn, không bị méo mó, cháy sém như những loại bánh đa khác. Bánh đa Kế nhìn thật giải dị với hình yên ngựa nhưng ăn lại rất giòn, ngon có vị thơm, béo, bùi của vừng lạc, khoai lang, xốp nở phồng to của những chiếc bóng trên bề mặt.

Người Dĩnh Kế bảo, thưởng thức bánh đa Kế cũng là thưởng thức một loại hình ẩm thực truyền thống. Bởi, đây là một nghề “cha truyền con nối” từ xa xưa các cụ để lại cho người Dĩnh Kế nay.

Hương vị của miếng bánh đa Kế là hương vị của quê hương xứ sở, là công sức cha ông đã hun đúc và sẽ còn mãi với thời gian.
 
Top