0
Đôi chân chẳng ngại đường dài
Chẳng sợ khó nhọc, chông gai đang chờ
Vì lòng mang một ước mơ
Chinh phục thử thách khắp nơi nước mìn

Dọc miền đất nước Việt Nam, nơi nào cũng có cảnh đẹp, nhưng không phải nơi nào cũng dễ dàng để đến được, chỉ có những phượt thủ mang trong mình một trái tim đủ gan dạ, một đôi chân đủ mạnh mẽ mới có thể chinh phục thử thách ấy.

Có những điểm đến - Ảnh: X X

Chỉ dành cho người phượt thủ gan dạ - Ảnh: Hòa Ngô Huy (hachi8)

CHINH PHỤC NÓC NHÀ CỦA MỘC CHÂU – PHA LUÔNG

Những câu thơ của Nguyễn Quang Dũng trong Tây Tiến hình như đã khắc họa một cách thật chân thực và rõ nét về một Pha Luông xa xôi, cách trở nhưng cũng thật đẹp đẽ quá chừng.

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”.

Đỉnh Pha Luông, một thách thức của dân phượt - Ảnh: Duy Hùng

Đỉnh Pha Luông hun hút cách Mộc Châu chừng 40 km, thuộc xã Tân Xuân, huyện Chiềng Xuân nằm trong vùng núi cùng tên tiếp giáp biên giới Việt - Lào về phía đông Mộc Châu, Sơn La. Có độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển, con đường chinh phục Pha Luông chẳng hề dễ dàng chút nào từ con đường dốc lên trắc trở đến đường rừng lối hẹp hiểm trở. Chỉ có dân phượt “chính hiệu” mới đủ dũng cảm để làm điều này.

Đỉnh Pha Luông hun hút nơi biên giới Việt – Lào - Ảnh: Hòa Ngô Duy (hachi8)

Đường lên Pha Luông muôn vàn khó nhọc - Ảnh: Hiro Oki

Nhưng cũng mộng mơ chẳng kém - Ảnh: Minh Nghĩa Bùi

Nhưng tất cả mọi gian nan dường như chẳng hề là gi khi ta chạm chân lên đỉnh Pha Luông – Nóc nhà của Mộc Châu. Toàn bộ núi rừng Tây Bắc như nhỏ lại trong tầm mắt, làn sương mờ trắng mỏng bay bay từ phía dưới đồi hững hờ ngang qua khiến ta có cảm tưởng như mình đang ở chốn tiên cảnh. Đẹp đến nao lòng!

Để khi đứng giữa đất trời - Ảnh: AoshiVn

Ta thấy mình thật nhỏ bé trước thiên nhiên kỳ vĩ - Ảnh: Hòa Ngô Huy (hachi8)


Thắp lửa tình yêu trên Pha Luông - Ảnh: Hòa Ngô Huy (hachi8)

HÙNG VĨ CÙNG BẠCH MỘC LƯƠNG TỬ

Qua rồi cái thời người người đi phượt thèm khát được chỉnh phục Fanxipan, nơi được mệnh danh là nóc nhà của Đông Dương. Bởi từ khi có cáp treo, Fanxipan không còn là nơi chứa đựng những thử thách mà chỉ dân phượt mới có thể làm được. Chính vì thế, ngọn núi cao thứ 4 tai Việt Nam, Bạch Mộc Lương Tử, như nàng công chúa đẹp ma mị đã được dân phượt khám phá và tìm đến. Nhiều người rỉ tai rằng đã là dân phượt, nhất định phải đến Bạch Mộc Lương Tử một lần, trước khi nó có cáp treo.


Bồng bềnh chốn thần tiên nơi Bạch Mộc Lương Tử - Ảnh: Hòa Ngô Huy (hachi8)


Khiến người đi phượt thèm khát chinh phục - Ảnh: Hòa Ngô Huy (hachi8)

Bạch Mộc Lương Tử nằm giữa hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai sở hữu độ cao lên đến 3.046m so với mực nước biển, nơi đây có địa hình khá hiểm trở nên chắc chắn không phải là điểm đến dành cho những ai thích nghỉ dưỡng.

Bạch Mộc Lương Tử chỉ dành cho người đi phượt chứ không phải tour nghỉ dưỡng - Ảnh: Hòa Ngô Huy (hachi8)

Để chinh phục được chốn thần tiên này, bạn cần sự quả cảm cũng như sức lực dẻo dai vì phải đi bộ hơn 30km đường rừng, vượt qua nhiều kiểu địa hình khác nhau từ đồi trọc, rừng trúc, rừng gỗ và cả vách đá cheo leo chỉ được phủ lên bằng một lớp áo màu rêu xanh cũ kỹ.

Gian nan đoạn đường chinh phục Bạch Mộc Lương Tử - Ảnh: Kaze Hoa

Lững lờ giữa làn sương mây trắng muốt, người phượt thủ thỏa thích tác nghiệp để ghi lại những bức ảnh độc đáo, hiếm có và thỏa thuê chìm đắm vào xứ sở của thần thiên, không còn gì bằng. Cảnh đẹp nhất mà người đi phượt nên nắm bắt chính là bình minh và hoàng hôn trên núi Muối- nơi từ lâu đã trở thành “thương hiệu” cho công cuộc chinh phục Bạch Mộc Lương Tử.

Đoàn phượt chinh phục Bạch Mộc Lương Tử - Ảnh: wishyouwerehere

Ánh mặt trời lan tỏa trên núi Muối- Ảnh: Mr.Kenz

Rồi dần tắt - Ảnh: Mr.Kenz

Thắp lên ngọn lửa ngất ngây giữa sao trời - Ảnh: Hòa Ngô Huy (hachi8)

KỲ BÍ NƠI NÓC NHÀ PHÍA ĐÔNG BẮC

Không chỉ có Tây Bắc với những dãy núi trùng điệp và dải ruộng bậc thang ngút ngàn ẩn hiện trong rừng xanh mà cả người anh em Đông Bắc cũng chẳng hề kém cạnh. Nơi đó có một Tây Côn Lĩnh mà mỗi khi băng tuyết kéo về, ta miên man một khung trời chẳng khác nào đang lạc bước châu Âu thơ mộng. Nơi đó có một Tây Côn Lĩnh hùng vĩ ngửa mặt lên trời hít trọn mọi tinh hoa, thấm dần vào lòng đất tạo thành thiên đường vùng Đông Bắc mà bất kỳ phượt thủ nào cũng thèm muốn một lần được đặt chân.

Tây Côn Lĩnh, nóc nhà phía Đông Bắc - Ảnh: ksdlethanh

Đượm một bức tranh đẹp đến nao lòng - Ảnh: ksdlethanh

Tây Côn Lĩnh nằm ở phía tây tỉnh Hà Giang của huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang, và cách thị xã này chừng 46km. Mang trong mình độc cao 2419m, Tây Côn Lĩnh là ngọn núi cao nhất Đông Bắc và là một trong những điểm đến “khó nhằn” nhất của phượt thủ.

Tây Côn Lĩnh là một trong những ngọn núi khó nhằn nhất ở Việt Nam - Ảnh: ksdlethanh

Đường lên Tây Côn Lĩnh trắc trở, khó khăn hơn bao giờ hết, vì nơi đây chưa có tuyến đường mở rộng cũng như tour du lịch cũng còn là “ẩn số”. Vách ngăn cheo leo, đường mòn hiểm trở, cây cối, rừng rậm bao quanh chứa đựng nhiều hiểm nguy chính là thách thức mà Tây Côn Lĩnh đưa ra để chỉ những ai đủ gan dạ mới có thể chinh phục được mảnh đất thiêng nhất của người La Chí.

Đường lên Tây Côn Lĩnh - Ảnh: ksdlethanh

Nhiều trắc trở - Ảnh: ksdlethanh

Để rồi trên đường đến điểm đích, hương chè shan tuyết quấn quýt bước chân như tiếp thêm sức mạnh, để rồi khi đối mặt với dãy núi sừng sững cao nhất Đông Bắc, ta không khỏi tự hào về chặng đường đã qua.

Tự hào đứng ở nơi cao nhất vùng Đông Bắc - Ảnh: ksdlethanh

Chiêm ngưỡng một góc nhìn đẹp trên hành trình chinh phục - Ảnh: ksdlethanh

CHINH PHỤC ĐÈO CẢ, KHÚC RUỘT MIỀN TRUNG

Rời xa vùng đất Bắc trùng điệp núi rừng, người phượt thủ nên dừng chân một chút tại con đèo Cả dài nhất Việt Nam nơi khúc ruột miền Trung, chiêm ngưỡng thắng cảnh biển rừng tuyệt vời ở đây.

Đèo Cả, danh thắng miền Trung - Ảnh: Tran Xuan Nghia

Đèo Cả nằm giữa hai sườn núi Hảo Sơn và núi Đá Bia có độ cao hơn 330m, có tổng chiều dài 12km nối tỉnh Khánh Hòa với Phú Yên. Con đường đèo ngoằn nghèo trên núi uốn lượn như một con rắn khổng lồ thách thức sự gan dạ của những ai thích khám phá, thích chinh phục.

Thắng cảnh đèo Cả luôn khiến người đi phượt thích thú - Ảnh: Tran Xuan Nghia

Đi qua đèo cả, bức tranh sơn thủy một bên là núi rừng ruộng nương lấp ló sau màu xanh cây cỏ, một bên là ánh biển trong xanh với vô số chiếc thuyền neo đậu như một lực hút khó cưỡng làm người đi phượt phải dừng chân, chụp vài bức hình kỷ niệm.

Bức tranh đẹp mắt được nhìn từ đèo Cả - Ảnh: Nhut Tran

Đứng ở đèo Cả, người đi phượt có cơ hội ôm trọn cả vịnh Vũng Rô, cảng Đại Lãnh lẫn Hòn Nưa xa tít tầm mắt vào lòng, mênh mang một khoảng trời lộng gió cho căn tràn lồng ngực, thích thú trên từng đoạn đèo quanh co, uốn lượn.

Vịnh Vũng Rô được nhìn từ đèo Cả - Ảnh: Tran Khang

Cả Hòn Nưa xa tít tầm mắt - Ảnh: Le Du

NGỦ GIỮA RỪNG THÔNG VÀ ĐÁNH THỨC CƠN MỘNG CỦA BIDOUP

Nếu Đà Lạt an yên trong cơn gió lạnh nhẹ nhàng là điểm đến nghĩ dưỡng cho nhiều tour du lịch Đà Lạt thì cách đó không xa chừng 50km về hướng Đông Bắc là đỉnh Bidoup thuộc xã Đa Chais, huyện Lạc Dương lại là điểm đến hấp dẫn cho những ai thích phượt, ưa chinh phục.

Bidoup dành cho những ai thích phượt - Ảnh: Bem

Con đường chinh phục nóc nhà của tỉnh Lâm Đồng chẳng hề dễ dàng vì người phượt thủ phải vượt qua nhiều con đường rừng, vách đá cheo leo, cả dòng sông lưng chừng núi lẫn sương mờ che mất lối đi mới có thể đứng ở độ cao 2.287m mà tận hưởng cảm giác tuyệt vời ùa về.

Con đường tìm về Bidoup - Ảnh: Bem

Thế nhưng hành trình ấy chẳng phải chỉ có gian nan mà còn chứa đựng nhiều khoảnh khắc tuyệt đẹp từ rừng thông réo rắt trong tiếng gió, cánh đồng lau mềm mại quyến luyến bước chân người lữ hành, và cả rừng nguyên sinh xanh ngát thi thoảng được tô điểm bởi những cánh lan rừng tinh khôi như thiếu nữ.

Có tiếng suối róc rách trên đường đi - Ảnh: Bem

Để khi đứng trên nơi cao nhất, thu nhỏ một Đà Lạt vào tầm nhìn, nghe tiếng vọng hào sảng của chính giọng nói của mình, ta mới nở một nụ cười mãn nguyện. Và dĩ nhiên, đã đến tận đây rồi, hãy thưởng cho mình một đêm ngủ lại trong rừng thông, ngắm sao trời rực rỡ trên cao.

Đứng trên đỉnh Bidoup, ôm trọn thành phố vào lòng - Ảnh: Thinh Vo

THỬ THÁCH VỚI BÀU SẤU NAM CÁT TIÊN

Tham quan Vườn quốc gia Nam Cát Tiên không còn là điều xa lạ với nhiều người, thế nhưng thử lòng dũng cảm với bàu Sấu nơi đây thì không phải ai cũng làm được. Vì để đến được bàu Sấu, người lữ hành cần phải vượt qua quãng đường rừng cách trở mới có thể chiêm ngưỡng được toàn cảnh của bàu Sấu.

Bàu Sấu, nơi không dành cho người “nhát gan” - Ảnh: Bùi Ân

Không chỉ thế, còn có một thử thách cần độ “liều” nhiều hơn của người tham quan đó chính là ngồi trên chiếc thuyền độc mộc trôi theo dòng nước bàu Sấu lặng nhìn cảnh quan tuyệt đẹp như lòng hồ nơi tiên cảnh mà lòng phập phồng lo sợ “bị cá sấu đớp”. Bởi dưới lòng bàu Sấu có đến hàng trăm con cá sấu đang ẩn mình dưới dòng nước bạc. Ấy vậy nhưng với người đi “phượt” chính hiệu thì nỗi lo ấy đã vơi đi rất nhiều vì luôn có người nuôi sấu đi cùng và cả một trái tim gan lì đã trải qua bao nhiêu mối nguy trong cuộc đời đi phượt rồi.

Dưới mặt nước yên ả ấy là hàng trăm con cá sấu - Ảnh: longle de quabih

Nhưng vì vẻ đẹp ma mị - Ảnh: Truong Luan

Và cũng lắm trữ tình - Ảnh: Toan Quach

Mà người phượt thủ vẫn thích chinh phục bàu Sấu- Ảnh: Thành Nguyễn

Khám phá Việt Nam qua góc nhìn Flycam!

Khắp nước mình, nơi nào cũng từng in dấu chân của người đi phượt trước khi nơi đó trở thành điềm du lịch hấp dẫn và dễ dàng cho nhiều người. Vì chỉ có người đi phượt mới đủ nhiệt huyết và gan dạ để biến những vùng đất tưởng chừng đã ngủ yên được thức giấc cùng chung nhịp sống với thế giới bên ngoài. Nếu là người thích phượt, thích khám phá, thích mạo hiểm, tức là bạn đã sẵn sàng cho hành trình đến những nơi này rồi đấy. Nào, cùng nhau đi thôi!

Post a Comment

 
Top