0
Phú Quốc còn được gọi là Đảo Ngọc, là hòn đảo lớn nhất trong quần thể 22 đảo tại đây, cũng là đảo lớn nhất Việt Nam với tổng chiều dài 49 km. Đảo Phú Quốc cùng với các đảo khác tạo thành huyện đảo Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Toàn bộ huyện đảo có tổng diện tích 589,23 km² (số liệu năm 2005), xấp xỉ diện tích quốc gia Singapore.

Phú Quốc nằm cách thành phố Rạch Giá 120 km và cách thị xã Hà Tiên 45 km. Vào năm 2006, khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang bao gồm cả huyện đảo Phú Quốc đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Phú Quốc có hai thị trấn là Dương Đông và An Thới, cùng với tám xã. Thị trấn Dương Đông tọa lạc ở phía Tây Bắc, là thủ phủ của huyện đảo.

Trước khi ra đây, tôi đã thử lên mạng tìm hiểu thông tin về thị trấn Dương Đông, nhưng có rất ít thông tin, và hình ảnh cũng hạn chế. Trong khả năng của mình, tôi sẽ cố gắng cập nhật nhiều hình ảnh và thông tin mà tôi biết về Dương Đông, để những người đi sau dễ hình dung về thị trấn trung tâm của huyện đảo này. Thông tin có thể chưa đúng, hoặc thiết sót, rất mong những người hiểu biết góp ý giùm.

Trước tiên là cửa ngõ vào thị trấn. Một là từ sân bay quốc tế.

Đường từ sân bay vào thị trấn Dương Đông.

Trước kia sân bay Phú Quốc chỉ là sân bay nội địa, ở gần chợ Dương Đông. Nhưng mới đây, sân bay cũ đã được di dời, xây mới thành sân bay quốc tế Phú Quốc, được khánh thành vào giữa tháng 12/2012 vừa rồi, hứa hẹn một Phú Quốc phát triển du lịch vượt bậc trong tương lai gần. Tuy nhiên, hiện các chuyến bay quốc tế đến Phú Quốc vẫn chưa được khai thác mà chỉ có các chuyến bay quốc nội từ Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.


Sân bay quốc tế Phú Quốc cách Dương Đông chừng 5 km.



Đường vào sân bay phải đi qua một cổng thu phí, 5.000 đ cho xe gắn máy (trước đây là 2.000 đ), và chỉ thu những ai đi hướng từ sân bay trở ra.



Đúng như câu nói vu vơ của anh chàng đi chung xe lúc tôi vừa đến Rạch Giá lần đầu tiên: Phú Quốc rừng không.


Con đường từ sân bay hướng về Dương Đông mang tên Trần Hưng Đạo, là con đường biển nên tập trung nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, cafe, bar.



Phú Quốc là huyện đảo nằm trong vịnh Thái Lan, có lẽ có vị trí chiến lược quân sự đặc biệt nên nhiều bộ đội đóng quân trên này.



Một doanh trại quân đội trên đường Trần Hưng Đạo.


Nói cho các bạn dễ hình dung, thị trấn Dương Đông chỉ có vài con đường chính là Trần Hưng Đạo, 30/4, Hùng Vương và Nguyễn Trung Trực. Nhớ hết mấy con đường này là cũng tự khắc thuộc luôn những nơi đặc trưng của thị trấn. Tuy nhiên, người dân địa phương ít ai quan tâm đến tên đường, mà chỉ biết nó ở khu nào đó, nên nếu là người ở xa mới đến, muốn hỏi đường thì bạn phải biết con đường đó có những điểm đến đặc trưng nào.

Tôi hiện thấy thị trấn Dương Đông có một trường cấp ba, một trường cấp hai và hai trường tiểu học.



Trường tiểu học Dương Đông – Điểm Bà Kèo nằm trên đường Trần Hưng Đạo, bị cây cối che phủ xung quanh, nếu không để ý sẽ không biết đó là trường học.



Trường tiểu học Dương Đông I trên đường 30/4



Trường trung học phổ thông Phú Quốc trên đường Hùng Vương


Ủy ban nhân dân huyện Phú Quốc trên đường 30/4



Nhà văn hóa thị trấn Dương Đông, nằm trên đường 30/4.

Cửa ngõ thứ hai để vào Dương Đông theo tôi được biết là đường từ cảng Bãi Vòng, cũng là đường đi tham quan suối Tranh, làng chài Hàm Ninh,…

Từ chỗ này, nếu không đi theo hướng ra con đường biển Trần Hưng Đạo, ta có thể đi dạo lòng vòng, rẽ vào đường Hùng Vương, qua cầu Hùng Vương (dân ở đây gọi là cầu Đúc), đến ngã tư thì rẽ trái là vào đường Nguyễn Trung Trực.



Cầu Hùng Vương, trên đường Hùng Vương



Cũng chính là cầu Đúc



Sân vận động huyện Phú Quốc, nằm trên đường Nguyễn Trung Trực.


Đường vào chợ Dương Đông, cũng là đường Nguyễn Trung Trực.

Chợ Dương Đông

Men theo con đường chợ, dọc sông Dương Đông là cầu Nổi. Cầu như một chiếc phà bắt qua sông, chỉ dành cho xe ba bánh, hai bánh và người đi bộ.



Cầu Nổi (trong ảnh cầu đang được mở ra cho thuyền bè qua lại).

Qua cầu Nổi một đoạn là thấy thánh thất Dương Đông. Mấy ai biết được rằng Phú Quốc chính là nơi khởi nguồn của đạo Cao Đài.



Thánh thất Dương Đông

Từ đây, rẽ phải đi thêm một chút thì đến biển Dinh Cậu, nơi có Dinh Cậu linh thiêng. Bến tàu câu mực, ủy ban nhân dân huyện, nhà văn hóa cũng ở trong cụm này, rất dễ đi, dễ thấy hay dễ tìm.



Dinh Cậu

Dinh Bà, chỉ cách Dinh Cậu vài bước chân.

Nói về tôn giáo, có lẽ đời sống sông nước, biển sóng bao la khiến người ta cần có những điều thờ phụng trong thẳm sâu tâm hồn mỗi người. Ở Dương Đông có nhiều chùa và những nơi tương tự thế.



Hưng Quốc Tự, trên đường Nguyễn Trung Trực, gần chợ Dương Đông, khác với Sùng Hưng Cổ Tự nổi tiếng.

Hội tương tế người Hoa Phú Quốc, trên đường 30/4.

Đến đây thì xem như các bạn đã có cái nhìn tổng quan về thị trấn Dương Đông của huyện đảo Phú Quốc rồi đó. Chờ những bài viết sau mình sẽ cập nhật thêm thông tin về thị trấn này.

Huyện đảo Phú Quốc có nhiều bãi biển như biển Dinh Cậu, biển Ông Lăng, Cửa Cạn, Vũng Bàu, bãi Sao, bãi Khem (dân địa phương gọi là bãi Kem)… Các biển này đa số đều hoang sơ, khí hậu trong lành và tất nhiên đều rất đẹp. Dọc theo các bãi biển này là các khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, nổi tiếng phải kể đến như khu nghỉ Chen Sea, Mango (biển Ông Lăng), khu nghỉ Mai Phương (biển Vũng Bàu).

Biển Ông Lăng nằm ở hướng Bắc đảo, đi tiếp sẽ là biển Cửa Cạn, Vũng Bàu. Để đến được biển này, bạn đi đường Nguyễn Trung Trực hướng về phía bãi Thơm, qua ngã tư đèn xanh đỏ cỡ 10m thì nhìn phía tay trái có con đường đất đỏ nhỏ, đầu đường có biển hướng dẫn vào khu các khu nghỉ Chen Sea, Orig… Men theo con đường đất đỏ quanh co, thẳng hoài đến cuối đường là một con đường lớn, rẽ phải sẽ là con đường bê tông, chạy thẳng hoài chừng 4km, nhìn bên tay trái có biển chỉ dẫn vào khu nghỉ Chen Sea thì quẹo trái vào, cứ chạy thẳng đến cuối đường là thấy biển.

Dưới đây là vài hình ảnh hoàng hôn trên biển Ông Lăng.

Bãi biển ông Lăng cũng gần giống biển Dinh Cậu với rất nhiều đá hình thù lạ mắt.


Khung cảnh vô cùng hoang sơ.

Nơi chỉ có sóng vỗ đá.


Trên con đường xuống biển, bên trái cuối đường là Dinh Bà cũ, Dinh mới đã được di dời lên gần chợ đêm Dinh Cậu. Nghe nói mọi năm ở đây thường có lễ rất lớn.


Trăng non sau nhành dương.


Phong cảnh tuyệt đẹp.


Mặt trời đang lặn dần.


Cây ngập mặn ven biển


Rực rỡ hoàng hôn…


Một chú chó Phú Quốc thư thái với biển chiều…


Thuyền bè neo đậu. Người dân tắm biển. Yên bình!

Bạn có biết, người Hoa cổ khi đến đây lập nghiệp đã đặt tên là “Phú Quốc”, nghĩa là “vùng đất trù phú”. Quả thật vùng đất này thật trù phú, với “rừng vàng, biển bạc”. Rừng cây ở khắp nơi. Biển xanh, cát trắng mịn màng, nắng vàng lung linh, khung cảnh tuyệt đẹp. Đã vậy, chỉ cần một chiếc thuyền thúng ra biển không xa và cũng không lâu là có thể bắt được tôm, cá, mực.


Trong ảnh là một loại rong biển ăn được mà tôi nhìn thấy người dân vớt cho vào bao, nghe nói là về phơi khô rồi đem bán. Rong sát bờ, chỉ cần ra vớt thôi. Còn ở vùng biển Ông Lăng này, tôi cũng nhìn thấy rất nhiều cá bơi sát bờ, trong các hốc đá. Đúng là một “vùng đất trù phú”.

Nhưng có lẽ vì sống ở vùng đất giàu sản vật mà người dân sinh ra tính ỷ lại, không biết lo xa. Rất nhiều người dân đảo giàu lên nhờ bán đất cho các khu quy hoạch xây dựng các dự án khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng… Nhưng ở đảo, tôi cũng nhìn thấy nhiều phụ nữ, người già, trẻ em vẫn hàng ngày cặm cụi đi nhặt đồ đồng nát làm kế sinh nhai. Đúng là, phần lớn số phận là do con người ta tạo nên.

Phú Quốc là điểm đến lý tưởng cho bạn khám phá. Nếu bạn đam mê yêu thích phượt, du lịch bụi Phú Quốc hiện nay đang được rất nhiều bạn trẻ ưa chuộng, thích thú.

Chiều dần buông!


Mặt trời to như cái nia.

Nếu bạn có ý định đi du lịch Phú Quốc thì nên xem qua bài viết kinh nghiem du lich Phu Quoc này nhé.
Nguồn: anvietnam

Post a Comment

 
Top