Ngang dọc miền Trung rất nhiều lần và lần nào cũng thế … tháp Chăm luôn gợi cho tôi những cảm xúc khó tả. Và thành thói quen, cứ có dịp về miền Trung tôi lại tìm đến tháp Chăm, bắt chuyện với những người đang trùng tu tháp, hỏi thăm các vị lo việc hương sự để mong được khám phá phần nào những bí ẩn của tháp. Không ít lần như thế tôi lại ra về và mang theo một bí ẩn khác của những ngôi tháp hầu như không đổi màu trước thời gian.

Những viên gạch kỳ lạ

Với mắt thường thì đó chỉ là những viên gạch mà chúng ta vẫn thường gặp nhưng chúng là nỗi băn khoăn triền miên của nhiều nhà nghiên cứu tháp Chăm. Là chất liệu duy nhất tính bằng đơn vị dùng để xây tháp nhưng các viên gạch này mang trong nó quá nhiều bí ẩn. Cùng một kích thước nhưng những viên gạch được đúc thí nghiệm theo quy trình thủ công thông thường sẽ nặng hơn viên gạch Chăm cổ 1,3 lần. Độ bền chịu nén, độ dai va đập cùng những tính chất khác của gạch Chăm đều cao hơn gạch thông thường rất nhiều.

 
Khi tạt nước vào một mặt bất kỳ của viên gạch Chăm thì các mặt còn lại thoát nước ra gần hết (điều này không xảy ra đối với gạch xây dựng thông thường). Một hướng dẫn viên du lịch “sống” lâu năm với tháp Chăm Mỹ Sơn cho rằng nhiều viên gạch khi bị vỡ ra để lộ phần đất sống bên trong. Điều này có nghĩa gạch chỉ được nung chín đều phần bên ngoài, bên trong vẫn còn “sống”. Điều kỳ lạ là phần “đất sống” bên trong những viên gạch gãy vỡ qua thời gian dài, dù nằm ngoài trời, chịu mưa chịu nắng vẫn không bị rả ra. Vậy, thành phần của chúng ngoài đất sét ra còn có những gì? Quy trình sản xuất gạch có gì khác thường? Các viên gạch này có góp phần vào quá trình làm tháp Chăm nhanh khô ráo sau những cơn mưa dầm?

Một thứ hỗn hợp kết dính chưa rõ thành phần

Điều dễ nhận thấy là những viên gạch tháp Chăm như được dán chặt vào nhau vì giữa chúng không có một đường lằn chứng tỏ có sự diện diện của vôi vữa. Đến nay người ta vẫn chưa biết rõ về chất kết dính này? Thành phần của nó gồm những gì? Phương thức tạo ra nó như thế nào? Khi dùng kỹ thuật “dán” chặt những viên gạch lại bằng chất kết dính thì, ngoài mục đích làm tháp vững chắc người ta còn có mục đích gì khác? Vì sao phải cần loại hỗn hợp kết dính này mà không dùng vôi vữa để xây tháp?

Một loại hình nghệ thuật tạo hình “rất ít xuất hiện” ở Đông Nam Á”

Những hình trang trí ở tháp Chăm được tạo tác ngay trên gạch của thân tháp hoặc được đắp bằng sa thạch. Những hình tượng nghệ thuật sống động đó thể hiện một cách sinh động các nhân vật trong thế giới thần thoại Ấn. Điều này cho thấy sự tinh vi đến tuyệt diệu của nghệ thuật điêu khắc Chăm, đặc biệt là nghệ thuật tạo hình trên gạch.


Có phải các nghệ nhân Chăm thực hiện kỹ thuật chạm trổ khi các tường gạch đã xây xong? Nếu như thế, những sai sót mắc phải trong quá trình tạo tác được giải quyết như thế nào? Những nghệ nhân điêu khắc là người kiêm luôn công việc xây dựng hay có hai nhóm thực hiện hai công đoạn nối tiếp nhau: xây dựng và trang trí? Phù điêu, tuợng trên tháp được tạo tác như thế nào? Giữa hỗn hợp kết dính “bí ẩn” với nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật tạo hình Chăm có liên quan gì không?

Những khối gạch khổng lồ nhưng không bị nghiêng lún

Các tháp Chăm cao sừng sững nhưng dáng dấp thanh thoát; chỉ khi đến gần người ta mới thấy hết được vẻ đồ sộ của nó. Tháp hầu như là một khối đặc vì khoảng trống bên trong hầu như không đáng kể. Phần “ruột” của đa số các tháp chỉ vừa đủ chỗ cho một người hành lễ (một số tháp lớn thì bên trong cũng chỉ có một khoảng trống vừa đủ để người hành lễ đi một vòng quanh tuợng thần). Với chất liệu gạch và kiểu kiến trúc như thế chắc chắn sức nặng dồn lên nền móng là rất lớn. Thế nhưng các nhà kiến trúc Chăm đã xử lý móng như thế nào để giữ tháp đứng vững qua hàng trăm năm mà độ từ biến không biểu hiện ra ngoài thành sự cố nghiêng lún?

Những đền tháp qua hàng trăm năm bị thiên nhiên bào mòn nhưng không bị lộ chân móng?

Khu di tích thánh địa Mỹ Sơn nằm trong lòng chảo nên vấn đề này không khó lý giải. Riêng các tháp Chăm rải rác từ Bình Định đến Phan Thiết đều tọa lạc trên đồi cao nên chân móng của chúng đã đặt ra nghi vấn. Các ngôi tháp trên đồi này được xây dựng cách đây hơn năm trăm năm, thời kỳ các vị vua Chăm chuyển kinh đô từ Trà Kiệu vào Đồ Bàn. “Đất thánh của vương quyền Chămpa sau thế kỷ XIII có lẽ đã được dời vào vùng Đồ Bàn. Tuy nhiên vì tính chất đặc biệt quan trọng của nó, nên Mỹ Sơn hẳn không bị bỏ phế một cách đột ngột … sớm nhất cũng phải đến thế kỷ XV thì khu đất thánh này mới hoàn toàn bị bỏ hoang. Đó là lúc vương quyền Chămpa đã dời đô về miền Phan Rang”.


Qua mấy trăm năm trơ vơ giữa trời, hứng chịu biết bao trận mưa xối xả và những cơn gió mùa thổi tứ bề, chắc chắn đỉnh đồi phải bị bào mòn dữ dội, chân tháp theo đó cũng liên tục bị mài mòn, thế nhưng tháp Chăm vẫn không thấy dấu hiệu lộ ra chân móng. Phải chăng các nhà kiến trúc Chăm đã tính được độ lún của tháp theo thời gian để tháp không bị “tróc” ra khỏi ngọn đồi? Đều này khó có khả năng xảy ra vì trong xây dựng không ai dám phiêu lưu như thế? Vậy tháp Chăm “bình chân như vại” trên những đỉnh đồi bằng cách nào?

Một câu hỏi đặt ra từ kiểu dáng kiến trúc: Có phải Chăm pa đã từng giao lưu với phương Tây?

Có vài trụ chống đỡ trong số các tháp của di tích Mĩ Sơn có kiểu dáng của kiến trúc Hi – La, đó là kết quả tiếp xúc văn hoá Chăm với văn hoá phương Tây hay chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên? Nếu có sự tiếp biến giữa văn hoá Chăm với văn hoá Hy La thì đó là sự tiếp biến do giao lưu trực tiếp hay thông qua lăng kính của văn hoá Ấn Độ?

Vì sao người ta “sợ hãi, kiêng dè khi nói đến hay đi qua” Tháp Chăm?

Vào cuối thế kỷ thứ VI, Đàn Hoà Chí, một vị tướng nhà Đường đánh được vào Mỹ Sơn nhưng khi trở về thì bị điên. Trong đời sống dân gian hầu hết những câu chuyện kể liên quan đến tháp Chăm đều gieo nỗi ám ảnh và sợ hãi cho ngươi nghe.


Cho đến nay người ta vẫn còn sơ tháp Chăm: “người Jrai ở quanh khu vực này rất sợ Bang Keng. Người dân buôn Jú và những vùng phụ cận, gọi đó là yang sang ia - nhà của thần nước. Tin theo tín ngưỡng cổ truyền, không chỉ có những người thuộc lớp tuổi trên 50 mà ngay cả những người còn trẻ, có học vấn, nhận thức nhất định cũng đều sợ hãi, kiêng dè khi nói đến hay đi qua Bang Keng.

Nguyễn Duy Anh
Face DuyAnh Nguyen
 
Top