0
Đến với vùng đất miền Tây đầy trù phú, điều khiến du khách nhớ mãi không chỉ là những dòng kênh nhỏ núp bóng dừa xanh mà còn là hương vị của những món ăn dân dã nhưng không kém phần thu hút như bánh cống - đặc sản dân dã của vùng sông nước nơi đây.

Giữa bao nhiêu thứ đặc sản của vùng đất miền Tây, ai đã nếm bánh cống một lần đều khó có thể quên được cái tan giòn của vỏ bánh vàng ươm, vị ngọt đậm đà và béo ngậy được cân bằng lại rất khéo bởi cái tài tình của bát nước chấm với đủ loại rau ăn kèm này.


Cái tên bánh cống hay còn gọi là bánh cõng nghe có vẻ thật lạ. Sở dĩ nó có tên như vậy vì khuôn làm bánh có hình giống như cái cống hình ống có lòng sâu, hình dáng tựa như phin cà phê. Trước đây khuôn bánh thường đẽo từ thân tre, nay thường dùng khuôn được đúc bằng nhôm vừa bền lại dễ dùng.

Nguyên liệu chính để làm bánh là bột gạo, đậu xanh, thịt băm và tôm. Một chủ quán người miền Tây mách rằng để bánh được ngon thì cách pha bột, cách trộn nhân khá quan trọng, sao cho vỏ bánh giòn vàng, nhân bánh đậm đà. 

Bột làm bánh gồm ba phần gạo, một phần nếp, ngâm với nước muối loãng qua một đêm cho hạt gạo mềm rồi xay bột. Bột xay rồi lại vắt cho ráo nước, sau đó lại trộn bột với một phần ba bột mỳ, thêm nước và hành lá cắt nhỏ.


Nhân bánh gồm đậu xanh đã đãi vỏ được nấu chín còn nguyên hạt, thịt lợn băm nhuyễn xào chín trộn chung với đậu xanh. Bánh cống đậm đà hơn không thể thiếu tôm. Tôm được chọn làm nhân bánh là loại tôm tươi, rửa sạch, bỏ râu.

Chuẩn bị mọi nguyên liệu xong xuôi, khâu chiên bánh cũng khá hấp dẫn. Điều thú vị là thực khách có thể vừa thưởng thức bánh cống cũng vừa có thể xem các chủ quán chiên bánh. Bánh cống ăn tới đâu chiên tới đó. Một chảo dầu sôi sâu lòng, lấy muỗng cho bột vào khuôn cống sau đó cho nhân là đậu xanh và thịt bằm, đổ trên nhân bánh một chút bột nữa, sau cùng là để lên đó một vài con tôm. Nhúng cống ngập trong dầu sôi liu riu, lửa càng nhỏ bánh mới giòn đều từ ngoài vỏ bánh đến trong nhân.

Bánh cống có hình ống hơi phồng bên ngoài và trong mềm xốp, có màu vàng nhạt của trứng, vàng đậm của tôm chiên, màu xanh của hành lá, vị ngậy rất hấp dẫn.


Bánh cống được ăn kèm với nước chấm và rau sống. Nước chấm bánh pha mặn ngọt chua cay, có màu đỏ của ớt, xanh của tép chanh và vàng của đu đủ, ăn cùng rau húng quế, xà lách hay dấp cá. Bánh cống cũng có thể ăn kèm với bún và có thể xem như bữa ăn chính thay cơm. Món ăn bình dị và dân dã này đã hớp hồn biết bao nhiêu du khách khi tới miền đất Cần Thơ. 

Post a Comment

 
Top