0
Nhắc đến Phan Thiết, ngay cả người chưa bước chân đến đây bao giờ cũng nghĩ ngay đến cát và nước mắm. Cát có mặt ở khắp mọi nơi. Bãi biển, suối cát và cồn cát. Về đến nhà cả vài tháng sau vẫn tìm thấy cát trong gấu quần, túi áo và ống kính máy ảnh....

Dọc bờ biển Phan Thiết người ta trồng nhiều rặng phi lao, vừa để tránh gió vừa để tránh cát. Sức gió ở đây quả là khủng khiếp. Đi xe máy trên bờ biển thấy run người vì gió làm lạng cả tay lái. Vì thế gió cũng thổi cát bay mù mịt. Giữa cái nắng rực lửa, những làn gió cát thi nhau găm vào da thịt như kim châm, buốt đến không chịu nổi.

Người chưa có kinh nghiệm, cứ nghĩ đi biển là mang xống áo “mát mẻ” thì cũng chỉ nên quanh quẩn ở resort, khó có thể đi đâu ra ngoài vùng gió cát. Ngoài khu vực du lịch chính ra, đi miết lên mạn Kê Gà hay xuống Mũi Né đều không tránh khỏi nạn “cát bay”. Có lẽ vì thế mà Đồi cát Mũi Né còn có tên là Đồi Cát Bay, vì gió thổi cát di chuyển hàng ngày khiến những cồn cát luôn thay hình đổi dạng theo từng giờ.
 

Cát ở đây có đủ màu sắc: Cát đỏ ở khu vực mỏ sắt cổ, Cát trắng ở bãi biển và Cồn Cát Trắng, Cát hồng ở khu vực Suối Tiên và Đồi Cát Đỏ, Cát trắng xám chỗ ráp ranh Ninh Thuận và Bình Thuận, Cát đỏ đen tập trung tại khu Bồng Lai Tiên Cảnh, Cát vàng và Cát nâu ở một số khu vực bãi biển. Có 18 tông màu cát tất cả. Chỉ riêng cát bụi thôi cũng đã là một điều kỳ vĩ tạo nên Phan Thiết.

Bàu Cát Trắng, hay còn được gọi là Bàu Trắng, phân biệt với Bàu Cát Đỏ, hay còn gọi là Bàu Đỏ. Nằm cách thành phốPhan Thiết 62km về hướng Đông Bắc, cách biển Mũi Né gần 30km, Bàu Trắng là hồ nước ngọt duy nhất thuộc thôn Hồng Lâm, xã Hoà Thắng, huyện Bắc Bình.

Trước đây, Bàu Trắnglà cả một hồ rất lớn nhưng truyền thuyết cho rằng người dân đã đắp đập ngăn đôi nên đến nay hồ đã chia thành 2 và được gọi là Bàu Ông và Bàu Bà.


Đến Bàu Trắng, ngoài việc du khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp nên thơ của một hồ sen nằm giữa cồn cát trắng, du kháchcòn có dịp lênh đênh trên hồ bằng xuồng của ngư dân ven vùng hoặc câu cá nếu thích. Còn muốn tổ chức picnic, bạn có thể cắm trại tại khu rừng dương ở bên phía bờ Bắc.

Ngoài ra, bạn còn có thể thăm dấu tích của đền thờ nữ thần Yana ở phía nam Bàu Trắng, vị thần được người Chăm tin rằng đã mang đến nguồn nước cho con người và động vật rừng ở đây trong những mùa khô hạn.

Du khách có thể đến với Bàu Trắng bằng hai cung đường khác nhau: Phan Thiết men theo đường biển đến Mũi Né, qua chợ Mũi Né, Đồi Hồng cứ thế chạy dọc bãi biển trong khoảng một tiếng đồng hồ là tới Bàu Trắng. Hoặc từ thành phốPhan Thiết theo quốc lộ 1A đến Lương Sơn, rẽ phải chừng 18km băng qua những ngọn đồi trọc, lúc lên cao, lúc xuống thấp, xuyên qua các cánh rừng sò đo, rừng dừa xanh mướt trên những động cát trắng thơ mộng cũng sẽ tới được Bàu Trắng.

Bàu Trắng còn hoang sơ và mộc mạc. Thế nhưng chính cái nét hoang sơ và mộc mạc ấy với những triền cát trắng, với tiếng sóng rì rào của biển như có ma lực thu hút những người mê cái đẹp về với nơi đây để tìm cảm hứng sáng tác nghệ thuật. Mời bạn đọc cùng khám phá một số hình ảnh về Bàu Trắng với 2 hồ Bàu Ông và Bàu Bà qua chùm ảnh:

Nhìn từ xa, bạn không khó để nhận ra Bàu Trắng với những triền cát trắng mênh mông và ngay bên dưới là một hồ nước ngọt trong xanh.


Đây là 1 điểm đến hấp dẫn đối với du khách, đặc biệt là những ai ưa thích dã ngoại và chinh phục các đồi cát. Một trong những dịch vụ hút khách nhất ở đây chính là cho thuê xe máy địa hình để chinh phục đồi cát. Giá thuê mỗi giờ trung bình là 400.000 đồng tùy theo xe lớn hay nhỏ. Cảm giác được lướt băng băng trên những triền cát, chinh phục hết đỉnh đồi này đến đỉnh đồi khác khiến nhiều người sảng khoái. Nhiều cuộc đua xe địa hình đã được du khách tổ chức như là những cuộc thi nhỏ cho cả đoàn khi đến đây. Nhưng cảm giác tuyệt vời nhất vẫn là được một mình một xe, lang thang khắp các triền cát ngắm cảnh, chụp ảnh.


Mặc dù công tác vệ sinh ở đây không được tốt nhưng phong cảnh rất hữu tình. Đặc biệt là tại khu vực hồ nước (Bàu Bà), cỏ nước, cây cầu, con thuyền...đã vẽ nên một bức tranh thủy mặc vô cùng đẹp.


Để kiếm thêm thu nhập, người dân nơi đây đã trồng thêm sen để thu hoạch hạt và ngó sen. Tuy nhiên, họ không ngờ rằng, chính việc làm này lại càng tạo thêm vẻ đẹp cho hồ nước mỗi khi vào mùa sen nở.

Đôi lúc bạn sẽ thấy mình trở nên nhí nhảnh hơn trước sự hấp dẫn của những đường con tuyệt vời này.


Lại có lúc bạn chợt thấy mình bé nhỏ, trống trải trước sự mênh mông, vĩ đại của thiên nhiên.

Mặc dù là một thắng cảnh đẹp và hút khách du lịch nhưng quanh khu vực này không có nhà nghỉ, khách sạn hay resort. Nguyên do có lẽ bởi điểm đến này nằm cách khá xa bờ biển (khoảng 15km tính đến khu vực biển hòn Hồng).

Dù vậy, Bàu Trắng vẫn là điểm đến không thể thiếu của khách du lịch và đặc biệt là những người yêu nhiếp ảnh.


Một trong những điều đặc biệt của Bàu Trắng không chỉ là 2 hồ nước ngọt mà còn là 1 số vũng nước nhỏ giữa những đồi cát trắng.

Tại đây bạn có thể thấy hệ sinh vật phát triển mạnh, trong đó có cả cá, côn trùng, chim, cỏ nước, súng trang...


Đặc biệt, bạn có thể bắt gặp một số loài thực vật rất đặc trưng như cây ăn thịt sống trên cát này (Cây màu đỏ).


Ở phía bên Bàu Ông không có nhiều khách du lịch ghé thăm. Đây trở thành hồ nuôi cá của người dân. Mặc dù cũng có đủ hồ, cây cối, đồi cát nhưng khu vực này không thực sự thuận tiện cho khách du lịch thăm quan. Một lý do khác là một doanh nghiệp cũng đã khoanh vùng và có ý định biến đây thành một điểm đến nên khách chưa thể tự do ra vào.


Hai cậu bé đánh cá về cho bữa cơm tối trong Bàu Ông. Cá ở đây chủ yếu là rô phi và cá lóc, 2 loài dễ sống và thích nghi trong nhiều môi trường nước.

Nếu bạn đến Mũi Né, Phan Thiết, tôi khuyên bạn nên đến đây và khám phá những đồi cát trắng không phải ở đâu cũng có này. Bạn sẽ thấy chuyến đi của mình ý nghĩa hơn rất nhiều.

Post a Comment

 
Top