Xưa kia là nơi giam cầm các chiến sĩ cách mạng yêu nước, nay trở thành những địa danh thu hút đông đảo khách tham quan. Đó chính là các nhà tù của chế độ thực dân cũ, như nhà tù Phú Quốc, nhà tù Lao Bảo, nhà tù Hỏa Lò… Cùng khám phá bạn nhé.
Nhà lao Thừa Phủ, Huế là địa danh gắn liền với dấu mốc quan trọng trong cuộc đời cố đại tướng Võ Nguyên Giáp.
1. Nhà tù Sơn La
Nhà tù Sơn La do Pháp xây dựng vào năm 1908. Đây là nơi giam giữ những người cộng sản sau này trở thành các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam như: Lê Duẩn, Trường Chinh, Văn Tiến Dũng, Xuân Thuỷ, Trần Huy Liệu, Trần Quốc Hoàn, Hoàng Tùng, Tô Hiệu…Nhà tù nằm trên đồi Khau Cả, tổ 9, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La. Mỗi năm di tích lịch sử này đón tiếp hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan, nghiên cứu. Đến đây, du khách sẽ hình dung được phần nào những cực hình hà khắc cũng như ý chí kiên cường của các chiến sĩ năm xưa.
2. Nhà tù Hỏa Lò
Hỏa Lò hay nhà pha Hỏa Lò được xây dựng từ năm 1896, tại trung tâm Hà Nội, thủ phủ của chính quyền thực dân khi đó. Nhiều thế hệ người Việt Nam đã bị giam cầm tại nhà tù Hỏa Lò, trong đó có các nhà nho yêu nước như cụ Phan Bội Châu, Lương Văn Can, Dương Bá Trạc đến các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười…Hiện nay khu di tích Hỏa Lò còn khá nguyên vẹn với nhiều tư liệu và hiện vật quý, đặc biệt là chiếc máy chém được thực dân Pháp dùng lưu động. Mở cửa vào các ngày trong tuần trừ thứ hai, khu di tích Hỏa Lò là điểm tham quan thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước mỗi khi về thủ đô.
3. Nhà lao Vinh
Nhà lao Vinh được xây dựng năm 1804 trong vùng thành cổ Nghệ An. Thời kỳ thực dân Pháp xâm lược, nhà lao Vinh từng là nơi giam giữ những người dám “chống cả triều (triều đình phong kiến) lẫn tây” qua các phong trào Văn Thân, Cần Vương, với các cuộc khởi nghĩa của Trần Tấn, Đặng Như Mai, Phan Đình Phùng, Nguyễn Xuân Ổn – Lê Doãn Nhã, phong trào Duy Tân, phong trào chống thuế Trung Kỳ, phong trào Đông Du…Rất nhiều dụng cụ tra tấn của thực dân Pháp đối với các chiến sĩ yêu nước và cách mạng bị giam cầm được lưu giữ tại nhà lao Vinh.
4. Nhà lao Thừa Phủ
Nhà lao Thừa Phủ nguyên là nơi ở của đơn vị Thuỷ binh nhà Nguyễn, được thực dân Pháp và chính quyền tay sai biến thành nhà giam chính của Phủ Thừa Thiên năm 1899. Nhà lao Thừa Phủ ở Huế là nơi cố đại tướng Võ Nguyên Giáp bị giam cùng người yêu là Nguyễn Thị Quang Thái và các giáo sư Đặng Thai Mai, Lê Viết Lượng… trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đầu tháng 10 năm 1930.Là địa danh gắn liền với một quãng thời gian hoạt động cách mạng của Tướng Giáp, nhà lao Thừa Phủ là nơi du khách có được hình dung phần nào về ý chí bất khuất của người anh cả của quân đội Việt Nam. Hiện nhà lao Thừa Phủ nằm ở số 1 Lê Lai, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế.
5. Nhà tù Lao Bảo
Nhà tù Lao Bảo là một trong những nhà tù lớn nhất Đông Dương được thực dân Pháp xây dựng năm 1908. Đây là nơi giam cầm nhiều nhà cách mạng cốt cán như: Tố Hữu, Nguyễn Chí Thanh, Trần Văn Cung, Lê Chương, Lê Thế Tiết…Nhà tù Lao Bảo nằm cuối đường Lê Thế Tiết nối từ quốc lộ 9 đi vào thuộc thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hoá.
6. Nhà đày Buôn Ma Thuột
Được xây dựng trong những năm 1930-1931, nhà đày Buôn Ma Thuột là nơi giam giữ, đày ải những chiến sĩ yêu nước như Võ Chí Công, Phan Đăng Lưu, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu. Hiện nhà đày Buôn Ma Thuột toạ lạc tại số 18, đường Tán Thuật, phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột.Qua các lần trùng tu, nhà đày Buôn Ma Thuột hiện mở cửa đón khách tham quan các cụm trưng bày hình ảnh, hiện vật nhằm phần nào tái hiện lại một cách chân thực, sống động những năm tháng khốc liệt, hào hùng của những chiến sĩ cách mạng ở nơi đây.
7. Nhà tù Côn Đảo
Nhà tù Côn Đảo là tên gọi một hệ thống nhà tù tại Côn Đảo được thực dân Pháp xây dựng năm 1862. Nơi đây được ví như địa ngục trần gian với những cực hình tra tấn dã man, trong đó chuồng cọp là đỉnh điểm sự tàn độc của chế độ cai tù.Nhà tù Côn Đảo hiện nằm trong danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt. Nơi đây không chỉ là điểm hẹn về nguồn của khách tham quan trong và ngoài nước, mà còn là nơi tìm về ký ức của nhiều cựu chiến binh Việt Nam.
Post a Comment